Thị trường này đã chạm mốc giá trị 233,4 tỉ USD năm 2019, với 5 nhà cung cấp chính chiếm hơn 30% giá trị toàn cầu, theo số liệu mới nhất do IDC công bố.
Theo đó, các doanh nghiệp dẫn dầu, bao gồm Amazon Web Services, Microsoft, Salesforce, Google và Oracle, đạt mức tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm 2018.
Dịch vụ phần mềm vẫn đang là mảng tạo ra doanh thu cao nhất trong lĩnh vực đám mây công cộng, với hơn 148,5 tỉ USD trong năm 2019, theo sau đó là mảng dịch vụ cơ sở hạ tầng (49 tỉ USD) và dịch vụ nền tảng (35,9 tỉ USD).
Thị trường đám mây công cộng đã tăng trưởng gấp đôi kể từ năm 2016. Cũng trong khoảng thời gian này, số tiền đổ vào dịch vụ cơ sở hạ tầng và dịch vụ nền tảng đã tăng gần ba lần. Điều này chứng tỏ ngày càng nhiều doanh nghiệp nhờ cậy vào cơ sở hạ tầng và nền tảng đám mây cho các hoạt động IT nội bộ.
Bước sang năm 2020, chỉ tính riêng trong quý II, số tiền chi cho thị trường dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây đã tiếp tục tăng thêm 31%, lên tới 34,6 tỉ USD, theo Canalys. Đây là mức tăng trưởng lớn nhất quý nhờ khách hàng gia tăng học tập và làm việc từ xa, sử dụng thương mại điện tử và xem nội dung trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội.
“Đám mây là thứ nâng đỡ cho các hoạt động trên môi trường số, là thứ mà các doanh nghiệp và cá nhân phải phụ thuộc vào để vượt qua và phát triển hậu đại dịch. Các doanh nghiệp đã nói về hành trình lên mây trong suốt thập niên qua. Giờ đây họ đang tìm cách để hoàn tất chuyển đổi số trong thời gian chưa tới ½,” ông Rick Villars, phó chủ tịch mảng Nghiên cứu toàn cầu của IDC chỉ ra.
Những bất ổn trong nền kinh tế ngày nay đang khiến nhiều người bắt đầu chú ý nhiều hơn tới các ưu điểm của dịch vụ cơ sở hạ tầng: cam kết tài chính thấp, có khả năng tăng cường sự linh hoạt cho doanh nghiệp và giúp phục hồi các hoạt động vận hành.
Nguồn: Forbes
댓글