Trong câu chuyện của ngành bán lẻ, việc chuyển giao hàng hóa vật chất tới cho người tiêu dùng là bài toán cơ bản. Và cũng bởi vì tính lệ thuộc nhiều vào yếu tố vật chất này nên nhiều chủ doanh nghiệp hiểu nhầm rằng mình khó có thể áp dụng “chuyển đổi số” trong ngành.
Hiện nay, những chuyển dịch trong thị trường này càng mạnh mẽ hơn và trở thành yếu tố quyết định để một cửa hàng hoặc một doanh nghiệp có tồn tại lâu dài hay không.
Là một lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào thói quen và sức mua của người tiêu dùng đại chúng, hoạt động bán lẻ chịu những biến đổi liên tục trong thời gian gần đây do thói quen người tiêu dùng thay đổi. Khách hàng hiện đại ngày càng có nhiều sự lựa chọn. Các trải nghiệm công nghệ mới khiến họ phát sinh những nhu cầu mới và đòi hỏi nhiều hơn từ đơn vị cung cấp. Không chỉ là mua một món đồ, họ còn mua cả một trải nghiệm. Câu hỏi sẽ không còn là Ai bán sản phẩm tốt hơn, mà là Ai đem lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn, và Ai sử dụng chi phí vận hành hiệu quả hơn.
Vài năm trở lại đây, thế giới đã có rất nhiều nhà bán lẻ do không kịp thích ứng với thời đại mới đã phải đóng cửa. Năm 2019, chỉ tính riêng các hãng bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 9300 cửa hàng, vượt qua tổng số 5.589 cửa hàng của năm trước nữa, theo dữ liệu từ Coresight Research. Con số này được dự báo có thể lên tới 20,000-25,000 trong năm 2020. Trong khi đó, các kênh bán hàng online với trải nghiệm mua sắm xuyên suốt lại phát triển bùng nổ và trở thành những ông lớn trong ngành bán lẻ, điển hình như các tập đoàn Amazon, Alibaba,...
Sự xuất hiện của “Thiên nga đen” Covid-19 xảy đến càng tạo đà cho cuộc đổi ngôi từ thương mại truyền thống sang thương mại điện tử. Theo khảo sát của Nielsen vào tháng 2/2020, các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, SpeedLotte… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2-4 lần. Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4-5 lần trong cùng giai đoạn.
Một điều không cần phải bàn cãi: Thị trường bán lẻ đang cực kỳ cạnh tranh; và bất kể quy mô của doanh nghiệp là gì, thì tốc độ chuyển đổi số cũng đều đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ trong tương lai.
4 XU HƯỚNG NỔI BẬT TRONG CÔNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH BÁN LẺ TẠI VIỆT NAM
1. Chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo mô hình chuỗi cung ứng (Supply chain) sang tập trung vào khách hàng, theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu (Digital value chain)
2. Tăng cường trải nghiệm khách hàng bằng công nghệ VR, AR
3. Phát triển những hình thức thanh toán tiện ích, hiệu quả hơn với khách hàng
4. Tối ưu vận hành và nâng cao năng lực cộng tác giữa các phòng ban bằng các phần mềm quản trị
DOANH NGHIỆP BÁN LẺ VIỆT NAM CẦN PHẢI LÀM GÌ ?
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt các doanh nghiệp vào một cuộc đua sinh tử. Cuộc đua này khốc liệt đến mức, theo kết quả một cuộc khảo sát, vòng đời của một công ty được sử dụng để tính toán ra Chỉ số S&P 500 đã rút ngắn từ hơn 50 năm trong thế kỷ trước xuống còn 15 năm ở thời điểm hiện tại. Và sẽ có 4/10 công ty có tên trong danh sách Fortune 500 hiện nay sẽ biến mất trong vòng 10 năm tới - để nhường chỗ cho các công ty mới, biết tận dụng thế mạnh của công nghệ để bứt phá.
Chuyển đổi số hiện tại đã không còn là vấn đề “Có” hay “Không” mà là “Như thế nào?”. Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam khẳng định: "Công nghệ và sáng tạo là hai yếu tố tiên quyết để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam".
Trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy, cách tiếp cận. Thời đại chiến lược sản phẩm khác biệt đang dần đi qua. Sự cải tiến và khác biệt về năng lực công nghệ giữa các doanh nghiệp ngày càng mờ nhạt. Duy trì sự vượt trội của sản phẩm trong dài hạn ngày càng khó khăn. Doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh bền vững nếu chỉ bám vào các chương trình khuyến mãi, phá giá,... Thay vào đó, cuộc đua sẽ nằm ở việc tối ưu chi phí vận hành cũng như tối ưu chuỗi giá trị, không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng. Dữ liệu trở thành yếu tố nền tảng.
Với phần lớn còn có quy mô vừa và nhỏ, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam chắc chắn sẽ còn phải đổi đầu với nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi số như: thiếu hụt nguồn lực, rào cản văn hóa, ít đơn vị cung cấp,... Trước những thách thức như vậy, càng cần thiết phải có tầm nhìn, sự quyết liệt từ phía lãnh đạo, cùng với đơn vị đối tác công nghệ chiến lược, đáng tin cậy, đồng hành cùng doanh nghiệp trên cả hành trình từ số hóa đến chuyển đổi. Nguồn: Tổng Hợp Via WorldLineTechnology
Comments